Ngày 31/10, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi và thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ, các Sở GDĐT, các trường đại, học, trường phổ thông.
Kỳ thi giai đoạn 2020-2024 đáp ứng yêu cầu; tích cực chuẩn bị cho giai đoạn 2025-2030
Báo cáo tổng kết công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết: Năm học 2019-2020, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GDĐT quyết định tổ chức hai đợt thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch COVID-19 vừa tổ chức thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.
Toàn cảnh hội nghị tổng kết
Năm học 2020-2021, trên cơ sở đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với GDĐT, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cũng được tổ chức theo hai đợt thi và tiếp tục tổ chức tốt Kỳ thi trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong các năm 2022, 2023 và 2024 đã được tổ chức thành công nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chủ động của Bộ GDĐT và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, sự phối kết hợp chặt chẽ của các bộ, ban ngành và sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, nhất là nỗ lực cao của toàn ngành Giáo dục.
Kỳ thi đã đạt cả ba mục tiêu đề ra: kết quả thi chính xác, khách quan, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT; phân tích, đối sánh dữ liệu kết quả thi trên toàn quốc và tại mỗi địa phương để có những giải pháp điều chỉnh công tác quản lý giáo dục của địa phương nhằm nâng cao chất lượng dạy và học; kết quả thi có độ tin cậy, được hầu hết trường (kể cả các trường có sức thu hút và cạnh tranh cao) sử dụng làm căn cứ xét tuyển sinh theo tinh thần tự chủ quy định tại Luật Giáo dục đại học cùng với một số phương thức tuyển sinh khác.
“Nhìn chung, giáo viên, học sinh và phụ huynh đồng thuận cao, yên tâm tham dự Kỳ thi, dư luận xã hội đánh giá cao phương án và kết quả tổ chức Kỳ thi trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa qua”, ông Huỳnh Văn Chương đánh giá, đồng thời nhìn nhận 5 bài học kinh nghiệm từ thực tiễn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024.
Cục trưởng Huỳnh Văn Chương báo cáo tại hội nghị
Đó là, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực của toàn ngành Giáo dục; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội.
Phân công và phân cấp trách nhiệm rõ ràng. Công tác chỉ đạo, tổ chức Kỳ thi từ Trung ương tới các địa phương đã được triển khai đồng bộ, rõ trách nhiệm, rõ việc từng khâu, từng bước, hiệu quả. Bộ GDĐT đã phân cấp mạnh đến các địa phương trong công tác tổ chức thi.
Công tác phối hợp, kết nối chặt chẽ, thường xuyên giữa Ban Chỉ đạo cấp quốc gia với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh các địa phương đã bảo đảm chỉ đạo thống nhất, thông suốt để tổ chức thi nghiêm túc, an toàn. Sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, kịp thời giữa Bộ GDĐT với các Bộ ngành liên quan nhất là Bộ Công an, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Điện lực, Thông tin truyền thông, Giao thông, Ban Tuyên giáo.
Trách nhiệm toàn diện của UBND các địa phương trong công tác tổ chức Kỳ thi trên địa bàn. Các địa phương đều có phương án và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất để tổ chức Kỳ thi. Đặc biệt là sự chủ động của Sở GDĐT trong chủ trì tham mưu chỉ đạo tổ chức thi, tăng cường huy động các sở, ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức Kỳ thi cùng với nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh và sự đồng thuận, ủng hộ của phụ huynh học sinh và các lực lượng xã hội.
Đại diện Bộ Công an phát biểu tại hội nghị
Công tác truyền thông nhanh chóng, kịp thời trong toàn ngành và toàn xã hội về Kỳ thi; việc phổ biến, quán triệt sâu rộng mục đích tổ chức thi và quy chế, hướng dẫn thi cho những người tham gia tổ chức thi và thí sinh đã góp phần quan trọng làm nên thành công của Kỳ thi.
“Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 ngày càng nghiêm túc, khách quan, trung thực, an toàn, cơ bản đáp ứng mục tiêu đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và yêu cầu đề ra. Bộ GDĐT đã và đang tích cực triển khai chuẩn bị tổ chức thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2025-2030 theo phương án đã được công bố với tinh thần từ sớm, từ xa và kỹ lưỡng”, ông Huỳnh Văn Chương cho hay.
Mô hình công tác thanh tra, kiểm tra thi được điều chỉnh phù hợp, hiệu quả
Cùng với công tác tổ chức thi, giai đoạn 2020-2024 công tác thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT cũng đã có những đổi mới về nội dung, mô hình, góp phần vào thành công chung trong công tác tổ chức Kỳ thi.
Theo ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GDĐT, giai đoạn 2020-2024, Bộ GDĐT ban hành 5 văn bản hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT, 5 quyết định phê duyệt phương án kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra thi THPT, 4 kế hoạch tổ chức tập huấn, thanh tra, kiểm tra thi THPT và ban hành các quyết định thanh tra/kiểm tra các khâu của Kỳ thi bảo đảm theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, Quy chế thi và quy định hiện hành của pháp luật.
Chánh Thanh tra Nguyễn Đức Cường phát biểu
Riêng trong năm 2020 và 2021 để ứng phó với tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Bộ GDĐT đã ban hành nhiều văn bản phối hợp, hướng dẫn, chỉ đạo, phương án tổ chức thanh tra, kiểm tra góp phần để Kỳ thi được an toàn, nghiêm túc, khách quan.
Thanh tra Bộ phối hợp với Trường Đại học Mở Hà Nội, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao xây dựng kịch bản, biên tập và hoàn thiện bộ tài liệu điện tử hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi ở các khâu với 6 video clip.
Biên soạn và in thành sổ tay nghiệp vụ công tác thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT; xây dựng bộ ngân hàng câu hỏi kiểm tra, đánh giá nghiệp vụ của cán bộ tham gia tập huấn trước khi bố trí tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra.
Giai đoạn 2020-2024, Bộ GDĐT đã huy động 300 lượt cán bộ, công chức các đơn vị thuộc Bộ GDĐT; các Sở GDĐT đã huy động 3.999 lượt cán bộ, công chức, viên chức/giáo viên các đơn vị thuộc Sở GDĐT, Thanh tra tỉnh tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra trên địa bàn.
Về thanh tra, kiểm tra công tác coi thi, giai đoạn 2020-2024, Bộ GDĐT huy động 37.274 lượt cán bộ, giảng viên các cơ sở giáo dục đại học, các Sở GDĐT huy động 32.559 lượt cán bộ, công chức, viên chức/giáo viên của Sở GDĐT, Thanh tra tỉnh và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.
Đại diện Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu
Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã kịp thời tham mưu lãnh đạo Bộ GDĐT có những giải pháp điều chỉnh, tăng cường chỉ đạo góp phần bảo đảm Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Kết thúc thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Bộ GDĐT đã rà soát, ban hành các kết luận thanh tra, thông báo kết quả kiểm tra các khâu Kỳ thi theo quy định.
“Thực tế mô hình công tác thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020 - 2024 đã được điều chỉnh tổ chức thực hiện sau mỗi năm một cách phù hợp, hiệu quả góp phần giúp Kỳ thi an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế, được xã hội ghi nhận”, ông Nguyễn Đức Cường chia sẻ. đồng thời đề xuất các phương án thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT từ Kỳ thi năm 2025.
Sẵn sàng nguồn lực, tâm thế tổ chức Kỳ thi đầu tiên thực hiện đổi mới
Tại hội nghị, đại diện các Sở GDĐT, các đơn vị phối hợp tổ chức Kỳ thi như Bộ Công an, các cơ sở giáo dục đại học đã có các tham luận, trao đổi về kết quả, kinh nghiệm, bài học trong tổ chức, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024. Những thuận lợi, ưu điểm, khó khăn và hạn chế cũng đã được nhìn nhận, từ đó đề xuất các giải pháp chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo định hướng đổi mới từ năm 2025.
Trong đó, các Sở GDĐT đều xác định từ năm 2025 Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có nhiều thay đổi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nên ngay từ đầu năm học đã có sự chỉ đạo sâu sát các cơ sở giáo dục tăng cường công tác dạy và học, nhất là tiếp cận với phương thức thi mới nên sẽ tổ chức nhiều cuộc đánh giá diện rộng, nhiều kỳ thi thử nhằm rèn luyện các kỹ năng, bổ sung kiến thức để tiếp cận theo hướng đề thi mới.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là năm đầu tiên thực hiện đổi mới nên các địa phương đã chuẩn bị tâm thế, cơ sở vật chất, huy động các nguồn lực để sẵn sàng đáp ứng khi có Quy chế, hướng dẫn tổ chức thi từ Bộ GDĐT.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT là công việc khó khăn, phức tạp, nhạy cảm nhưng tựu chung lại giai đoạn vừa qua đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Nhân dịp này, Thứ trưởng thay mặt lãnh đạo Bộ GDĐT gửi lời cảm ơn sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tưởng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, sự vào cuộc của các địa phương trong tổ chức Kỳ thi giai đoạn vừa qua.
Nhìn nhận một số kết quả cụ thể, Thứ trưởng đề cập tới 5 kết quả. Đó là, công tác lãnh đạo chỉ đạo sâu sát, toàn diện; công tác phối hợp thông suốt, nhịp nhàng, hiệu quả; công tác chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng; quá trình thực hiện đảm bảo đúng quy trình, quy chế; công tác truyền thông thông chủ động, kịp thời.
“Chúng ta đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia Kỳ thi, không để thí sinh nào vì điều kiện kinh tế hay đi lại không thể dự thi. Càng ở các địa phương khó khăn, càng cho thấy sự chăm lo của toàn xã hội cho Kỳ thi”, Thứ trưởng nói, đồng thời khẳng định, cả giai đoạn vừa qua, các thầy cô giáo, tất cả các lực lượng đã vì học sinh mà tạo các điều kiện thuận lợi nhất.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT cho các các nhân, tập thể
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh tới việc 2 năm gần đây Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã thực hiện khá tốt yêu cầu, nguyên tắc 4 đúng - 3 không. “4 đúng” là: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. “3 không” là: không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức.
Thẳng thắn đề cập tới một số khó khăn, hạn chế trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 ở các khâu ra đề, in sao đề thi, coi thi… Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cần được nâng cấp cấp độ ở tất cả khác khâu.
“Năm nay cả xã hội quan tâm hơn rất nhiều tới Kỳ thi tốt nghiệp THPT vì là năm đầu thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Học sinh, giáo viên, phụ huynh, cả xã hội chờ đợi. Chúng ta đang làm việc chăm lo cho kỳ thi cũng là nhiệm vụ nặng nề, quan trọng của ngành trong năm 2025”, chia sẻ điều này, Thứ trưởng đề nghị: Mọi năm đã chu đáo rồi năm nay phải chu đáo hơn, mọi năm đã chuẩn bị kỹ lưỡng rồi năm nay phải kỹ lưỡng hơn. Tất cả các công tác phải nâng cấp độ lên, từ chỉ đạo, chuyên môn đến kiểm tra, thanh tra tước, trong, sau Kỳ thi.
48 tập thể, 128 cá nhân đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT
Đặt ra yêu cầu cụ thể cho từng đơn vị của Bộ GDĐT, Thứ trưởng cũng mong muốn các Bộ, ngành, cơ quan trung ương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong tổ chức Kỳ thi, các địa phương tiếp tục vào cuộc hiệu quả, trách nhiệm. Các Sở GDĐT chỉ đạo tổ chức hoạt động chuyên môn ở các nhà trường bám sát yêu cầu kiểm tra, đánh giá thường xuyên; đồng thời quan tâm lựa chọn cử giáo viên có trình độ, năng lực tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi, ra đề không chỉ đề thi mà cả đề kiểm tra, đánh giá.
“Đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 37 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2025, với yêu cầu tổ chức Kỳ thi theo hướng giảm áp lực, giảm chi phí, ít tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội, bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông; làm căn cứ đánh giá quá trình dạy và học ở các nhà trường, các địa phương; cung cấp dữ liệu tin cậy, trung thực để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong công tác tuyển sinh”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Nhân dịp này, 48 tập thể, 128 cá nhân đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT vì có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024.
Theo thống kê số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT qua các năm: Năm 2020 là 900.152 thí sinh; năm 2021 là 1.021.340; năm 2022 là 1.002.432; năm 2023 là 1.012.398; năm 2024 là 1.071.393. |
Nguồn: Trung tâm Truyền thông và Sự kiện.
Những tin cũ hơn