Ngày 31/3-02/4/2025, Cục Quản lý chất lượng tổ chức Hội thảo - Tập huấn kỹ thuật khảo sát chính thức Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) chu kỳ 2025 tại Thái Nguyên.
Tham dự Hội thảo tập huấn có PGS.TS. Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Giám đốc PISA tại Việt Nam – Phó Trưởng ban Điều hành quốc gia; TS. Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông; TS. Hà Xuân Thành, Giám đốc Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục – Trưởng Ban Kỹ thuật quốc gia; chuyên viên các Cục, Vụ có liên quan thuộc Bộ GDĐT; báo cáo viên, cán bộ giám sát trung ương, giám sát quốc tế cùng với 350 Thầy/Cô giáo thuộc Hội đồng khảo sát cấp tỉnh đến từ 72 cơ sở giáo dục phổ thông tham gia khảo sát thuộc 25 tỉnh, thành phố phía Bắc.
PGS.TS Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục QLCL phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc, Phó Cục trưởng Phạm Quốc Khánh đã nhấn mạnh ý nghĩa tham gia PISA của Việt Nam; đồng thời yêu cầu các cá nhân tham dự Hội thảo tập trung, tiếp thu đầy đủ nội dung do Ban Tổ chức và các báo cáo viên truyền đạt để Hiểu và áp dụng, tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật, quy trình khảo sát chính thức trên máy tính của OECD, hướng dẫn của Bộ GDĐT trong thực thi nhiệm vụ cũng như trong xử lý/ phối hợp xử lý các tình huống phát sinh khi khảo sát PISA chu kỳ 2025; đồng thời, vận dụng các giải pháp bảo đảm và khuyến khích học sinh và các đối tượng liên quan tham gia KSCT PISA 2025 tại địa phương với tâm thế/ý thức, sự tự tin, trách nhiệm phù hợp nhất.
PISA là viết tắt của Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (Programme for International Student Assessment) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng, là một trong những chương trình đánh giá quy mô lớn, có uy tín hàng đầu thế giới hiện nay. PISA đo lường năng lực của học sinh 15 tuổi trong ba lĩnh vực cốt lõi gồm: Đọc hiểu, Toán học và Khoa học nhằm cung cấp những phân tích sâu sắc về các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh, từ đó hỗ trợ việc hoạch định chính sách và cải thiện chất lượng giáo dục cho các nước.
Việt Nam chính thức tham gia PISA từ chu kỳ 2012 và đã liên tục ghi dấu ấn với những kết quả đáng khích lệ. Chu kỳ 2025 mang ý nghĩa đặc biệt, thứ nhất, trụ cột đánh giá của chu kỳ này là lĩnh vực Khoa học, thứ hai, là lần đầu tiên Việt Nam triển khai khảo sát PISA trên máy tính, đòi hỏi Việt Nam phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, cũng như năng lực tổ chức, vận hành và giám sát.
Đại biểu tham dự Hội nghị
Kết quả tổ chức khảo sát của Việt Nam qua các chu kỳ được OECD đánh giá cao. Kết quả khảo sát Việt Nam luôn đứng ở vị trí trung bình hoặc cao hơn so với mức trung bình của các nước kinh tế phát triển OECD; đặc biệt, tại chu kỳ năm 2022, Việt Nam đứng thứ 31/81 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia khảo sát PISA: Học sinh Việt Nam có điểm Toán thuộc nhóm cao nhất chỉ sau Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc khi tính theo chỉ số PISA về điều kiện kinh tế - xã hội.
TS. Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông phát biểu tại Hội nghị
Ở chu kỳ 2025, Việt Nam triển khai khảo sát chính thức trên máy tính từ ngày 15/4-29/4/2025 tại 195 cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên thuộc 60 tỉnh, thành phố với khoảng 7.200 học sinh độ tuổi 15 tham gia khảo sát. Học sinh sẽ làm bài ở 04 nội dung thuộc lĩnh vực đọc, toán, khoa học và học tập trong thế giới số.
Ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bắc Giang chia sẻ kinh nghiệm triển khai các chương trình khảo sát diện rộng tại Bắc Giang
Hội thảo - Tập huấn kỹ thuật tiếp tục được triển khai tại TP. Đà Nẵng trong 03 ngày (04-06/4/2025) cho các Hội đồng khảo sát cấp tỉnh thuộc 18 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên; và tại TP. Hồ Chí Minh trong 03 ngày (09-11/4/2025) cho các Hội đồng khảo sát cấp tỉnh thuộc 18 tỉnh, thành phố phía Nam.
Cục Quản lý chất lượng