Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng: Sẽ có nhiều bứt phá về công tác kiểm định trong năm 2025

Thứ năm - 06/02/2025 07:49

“Về công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, trong năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tập trung hoàn thiện khung đảm bảo chất lượng bên trong, đảm bảo tính đồng bộ từ chương trình đào tạo, khoa, phòng ban đến ban giám hiệu, hội đồng trường”: Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng chia sẻ nhân dịp đầu xuân Ất Tỵ

imgl1228

Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng

Kết quả đạt được đối với các mục tiêu giai đoạn 2022-2025 được đề ra trong Quyết định 78 của Chính phủ
Cục Quản lý chất lượng sẽ tham mưu cho ngành để tiến hành sơ kết việc thực hiện Quyết định số 78 giai đoạn 2022-2025 vào năm 2025. Hiện nay, kế hoạch sơ kết đã được xây dựng. Qua đánh giá sơ bộ, một số chỉ tiêu lớn trong Quyết định 78 yêu cầu đang đạt được kết quả về cơ bản khá tốt và khả quan.

Thứ nhất, về kiểm định chương trình đào tạo, tính đến ngày 31/12/2024, cả nước đã có 2.224/hơn 6000 chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học đạt kiểm định chất lượng giáo dục, đạt tỷ lệ 37,1% - cao hơn chỉ tiêu 35% được đề ra trong Quyết định 78 đến năm 2025. Đáng chú ý, số lượng chương trình đạt kiểm định quốc tế đã đạt hơn 600, đây là một con số khá ấn tượng.
Thứ hai, về kiểm định cơ sở giáo dục đại học, hầu hết các cơ sở đã hoàn thành chu kỳ kiểm định thứ nhất, đã và đang trong giai đoạn kiểm định chu kỳ hai. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường chưa thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, chủ yếu thuộc ba nhóm sau: (1) Nhóm thứ nhất, là các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành nghệ thuật và văn hóa – đây là lĩnh vực có đặc thù riêng về quy mô đào tạo, đội ngũ giảng viên,... Hiện Bộ GDĐT đang nghiên cứu các giải pháp kiểm định phù hợp đối với nhóm ngành này. (2) Nhóm thứ hai, là các trường mới thành lập, chưa đủ thời gian hoạt động 5 năm để tiến hành kiểm định theo quy định. (3) Nhóm thứ ba, là các trường có hợp tác và liên kết quốc tế – những đơn vị này đang trong lộ trình xây dựng chiến lược kiểm định chuẩn quốc tế phù hợp với mô hình đào tạo của họ. Như vậy, ba nhóm đối tượng chưa thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục là do tính đặc thù của lĩnh vực đào tạo, hoặc chưa đủ điều kiện về chu kỳ, hoặc vừa đủ điều kiện kiểm định thì họ đang chuẩn bị kiểm định chuẩn quốc tế để phù hợp với mô hình đào tạo.
Thứ ba, về đội ngũ kiểm định viên, hiện cả nước có khoảng 600 kiểm định viên, cơ bản đảm bảo đủ số lượng và năng lực để thực hiện kiểm định trên phạm vi toàn quốc, có thể bao quát các lĩnh vực đào tạo, trừ một số ngành, lĩnh vực đặc thù. Đặc biệt, một số kiểm định viên của Việt Nam đã đạt chuẩn kiểm định viên quốc tế theo các tổ chức như AUN-QA, ABET, FIBAA, ASIIN,... Đây là một bước tiến quan trọng nhằm chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao dần chất lượng, uy tín của kiểm định trong nước.
Tổ chức sơ kết thực hiện Luật để đánh giá, hoàn thiện chính sách
Việc sơ kết giai đoạn từ khi có Luật Giáo dục đại học sẽ giúp đánh giá các mặt tích cực và hạn chế, từ đó điều chỉnh thể chế, văn bản hướng dẫn cũng như chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học. Điều này đồng thời cũng phù hợp với lộ trình sửa đổi các luật về giáo dục trong giai đoạn 2025-2027. Theo đó, Luật không quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Nghị định hoặc của Thông tư do đó một số quy định khung trong luật sẽ được điều chỉnh để linh hoạt hơn.
Năm 2025, Bộ GDĐT sẽ tập trung hoàn thiện khung đảm bảo chất lượng bên trong, đảm bảo tính đồng bộ từ cấp chương trình đào tạo, khoa, phòng ban đến ban giám hiệu, hội đồng trường. Thực tế cho thấy, kiểm định bên ngoài có thể diễn ra thời gian ngắn, nhưng nếu hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong không vững chắc thì kiểm định và đánh giá ngoài chưa thể đạt hiệu quả toàn diện như mong muốn cải tiến liên tục.
Ngoài ra, cũng sẽ thay đổi cách tiếp cận trong kiểm định. Thay vì kiểm định riêng biệt cho từng hình thức đào tạo như chính quy, đào tạo từ xa, vừa học vừa làm thì sắp tới sẽ hướng đến kiểm định một lần cho tất cả các hình thức đào tạo của một chương trình.
Bên cạnh đó, cũng hướng tới điều chỉnh cách tiếp cận trong các chu kỳ kiểm định. Chu kỳ 1 có thể tập trung vào hướng dẫn, hỗ trợ, nhưng từ chu kỳ 2, 3 trở đi, trọng tâm sẽ chuyển sang đánh giá thực chất về hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ, thay vì chỉ dựa vào hồ sơ, giấy tờ. Tức là đang từ kiểm định dựa trên văn bản quy định, các quy tắc (rules-based) chuyển dần sang kiểm định dựa trên các nguyên tắc (Principles Based).
Với cách làm này, yêu cầu chất lượng kiểm định viên ở các chu kỳ sau cũng phải được nâng cao, do đó do ngành phải có trách nhiệm là đào tạo và tập huấn sâu hơn cho kiểm định viên. Vì vậy, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức các hội thảo nhằm nâng cao năng lực kiểm định viên, mời các chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ đội ngũ trong nước đạt chuẩn quốc tế. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng kiểm định mà còn giúp thay đổi tư duy của những người thực hiện.
Bên cạnh đó, cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của các cơ sở giáo dục. Nhà trường phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của chương trình đào tạo và đội ngũ giảng dạy, còn kiểm định chỉ đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn đã đặt ra, tránh tình trạng hiểu kiểm định là thanh tra, kiểm tra. Do đó, nếu sau này cơ quan chức năng phát hiện chương trình không đáp ứng tiêu chuẩn, có thể xem xét việc hủy chứng nhận kiểm định.
Đồng thời, cần có cơ chế khuyến khích các trường đạt kiểm định chất lượng tốt. Những trường có thành tích xuất sắc có thể được kéo dài chu kỳ kiểm định hơn có thể trên 5 năm nhằm tạo động lực và nêu được các thực hành tốt, điển hình cho cho các cơ sở khác.
Ngoài ra, cần đặt ra một số điều kiện cứng, bắt buộc của bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chương trình đào tạo cũng như cơ sở giáo dục đại học. Một trường đại học hay một chương trình đào tạo cần xác định rõ những yếu tố nào là cốt lõi, mang tính nền tảng, bắt buộc phải đạt được. Những điều kiện này không thể linh động hay nới lỏng, mà phải là tiêu chí bắt buộc.
Cuối cùng, sẽ hướng tới tăng cường vai trò tự chủ của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, để họ có những sáng kiến tốt hơn trong việc đưa ra những nhận định, khuyến nghị cho các cơ sở đào tạo nâng cao chất lượng.
Rà soát, ban hành văn bản năm 2025 để khắc phục dần những bất cập khi triển khai công tác kiểm định
Hiện nay, Cục Quản lý chất lượng đang tham mưu để Bộ GDĐT sửa đổi một số văn bản quan trọng liên quan đến kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Cụ thể:
Bộ GDĐT sẽ ban hành các quy định sửa đổi của Thông tư 04/2016/TT-BGDĐTvà Thông tư 38/2013/TT-BGDĐT. Ngoài ra, Bộ cũng đang rà soát toàn bộ các thông tư liên quan đến ngành đào tạo đặc thù để đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với thực tiễn. Trong năm 2025, Bộ cũng có kế hoạch sửa đổi và thay thế Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học.
Đặc biệt, năm 2025 là lần đầu tiên Bộ GDĐT sẽ tiến hành đánh giá các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đến chu kỳ 5 năm theo Thông tư 13/2023/TT-BGDĐT về quy định về giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm. Kết quả đánh giá sẽ được công khai trên hệ thống thông tin của Bộ, giúp xã hội có thể theo dõi và lựa chọn các tổ chức kiểm định có uy tín. Đây cũng là một bước đột phá nhằm nâng cao trách nhiệm và tính minh bạch của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục.

Cục Quản lý chất lượng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây