Từ ngày 4/4 đến ngày 6/4/2025, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Quản lý chất lượng tổ chức Hội thảo - Tập huấn quy trình kỹ thuật khảo sát chính thức (KSCT) trên máy tính Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) chu kỳ 2025 cho thành viên Hội đồng khảo sát các tỉnh/thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên, trước đó cũng đã diễn ra cho khu vực phía Bắc tại Thái Nguyên.
Tham dự Hội thảo - Tập huấn có GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (QLCL)- Trưởng Ban Điều hành PISA chu kỳ 2025; PGS.TS. Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục QLCL - Giám đốc PISA tại Việt Nam, Phó Trưởng ban Điều hành quốc gia; TS. Hà Xuân Thành, Giám đốc Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục- Trưởng Ban Kỹ thuật quốc gia; đại diện các Cục, Vụ có liên quan thuộc Bộ GDĐT; các báo cáo viên; giám sát quốc tế, giám sát trung ương; cùng với 259 Thầy/Cô thuộc Hội đồng khảo sát cấp tỉnh đến từ 56 cơ sở giáo dục thuộc 18 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục QLCL phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh mục tiêu của Việt Nam khi tham gia PISA nhằm tạo ra các bộ chỉ số trung thực, tin cậy, chất lượng về kết quả đánh giá diện rộng của giáo dục phổ thông, dù kết quả có thể tăng lên hoặc giảm đi nhưng phải thực chất và đúng với từng địa phương khảo sát, từ đó có các đánh giá về chính sách giáo dục quốc gia và đề xuất những thay đổi về chính sách nhất là trong điều kiện hiện nay Việt Nam đang hướng đến sửa Luật Giáo dục và xây dựng mới Luật Nhà giáo, các chính sách mới về giáo dục phổ thông đã và sắp ban hành, sơ kết chương trình giáo dục phổ thông 2018 sau một chu kỳ sẽ diễn ra trong năm 2025. Việc tham gia đánh giá theo PISA bằng phương thức tổ chức trên máy tính lần này cũng giúp hữu ích sẽ là tiền đề, thí điểm để Việt Nam triển khai tổ chức các kỳ thi, kỳ đánh giá trên máy tính ở phạm vi toàn quốc. Cục trưởng Huỳnh Văn Chương đề nghị các Thầy/Cô tham dự tập huấn nghiêm túc, tiếp thu đầy đủ các nội dung mà Ban Điều hành, các chuyên gia là báo cáo viên chia sẻ, phổ biến về quy trình, kỹ thuật các yêu cầu trong tổ chức khảo sát PISA chu kỳ 2025; đặc biệt các địa phương, các cơ sở giáo dục cần lưu ý công tác chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất thiết bị, bảo đảm điện lưới, đường truyền internet và sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của học sinh. Cục trưởng tin rằng với sự chuẩn bị nghiêm túc, trách nhiệm cao và sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, Việt Nam sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ triển khai tổ chức KSCT trên máy tính PISA chu kỳ 2025.
Tại buổi Hội thảo - Tập huấn, Bà Yuri - Trưởng Ban Giáo dục, Kỹ năng và Trường học, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng đã phát biểu khai mạc và một số lưu ý để các đợt tập huấn của Việt Nam thành công. Phó Cục trưởng Phạm Quốc Khánh đã giới thiệu tổng quan về PISA và các mục đích, ý nghĩa khi tham gia PISA; yêu cầu các Thầy/Cô dự tập huấn tiếp thu đầy đủ nội dung do Ban Tổ chức và các báo cáo viên truyền đạt để hiểu và áp dụng, tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật, quy trình KSCT trên máy tính của OECD, hướng dẫn của Bộ GDĐT trong thực thi nhiệm vụ cũng như trong xử lý, phối hợp xử lý các tình huống phát sinh khi khảo sát PISA chu kỳ 2025; đồng thời vận dụng các giải pháp bảo đảm và khuyến khích học sinh và các đối tượng liên quan tham gia KSCT PISA 2025 tại địa phương với tâm thế/ý thức, sự tự tin, trách nhiệm phù hợp nhất.

Đại biểu tham gia tập huấn
Trao đổi tại Hội nghị, TS. Hà Xuân Thành - Trưởng Ban Kỹ thuật quốc gia đã giới thiệu tổng quan về quy trình, kỹ thuật tổ chức khảo sát trên máy tính; phổ biến nhiệm vụ cụ thể của Tổ khảo sát cấp trường, giám sát, điều phối viên, khảo sát viên; đặc biệt lưu ý về việc thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật, đúng quy định của OECD, của Bộ GDĐT trong tổ chức khảo sát. Để đánh giá hiệu quả của việc tập huấn, Ban Tổ chức sẽ cho các Thầy/Cô đóng vai để thực hành tổ chức khảo sát thử và có bài kiểm tra đánh giá.
Hội thảo - Tập huấn kỹ thuật tiếp tục được triển khai tại TP. Hồ Chí Minh trong 03 ngày (09-11/4/2025) cho các Hội đồng khảo sát cấp tỉnh thuộc 18 tỉnh, thành phố phía Nam.
Cục Quản lý chất lượng.