Thực hiện kế hoạch công tác năm 2024 và Kế hoạch số 440/KH-BGDĐT ngày 02/5/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài với mục tiêu chủ yếu nhằm lấy ý kiến của các tổ chức, đơn vị, các cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động này ngày càng thuận lợi hơn đối với các tổ chức, doanh nghiệp tham gia liên kết; đáp ứng nhu cầu và bảo đảm quyền lợi của người dự thi cấp chứng chỉ đồng thời bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước về hoạt động này.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo có sự tham dự của 95 đại biểu là đại diện các cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, 61 tổ chức thi của Việt Nam khu vực phía Bắc bao gồm: 19 cơ sở giáo dục đại học, 02 đơn vị sự nghiệp công lập khác, 40 doanh nghiệp Việt Nam tham gia liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài và đại diện của 07 Sở Giáo dục và Đào tạo.
Tiến sĩ Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng phát biểu khai mạc Hội thảo.
Sau phát biểu khai mạc của Phó Cục trưởng Lê Mỹ Phong, ông Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Trưởng Phòng Quản lý văn bằng, chứng chỉ đã báo cáo tóm tắt thực tiễn hơn 02 năm triển khai Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT. Theo báo cáo, trong 02 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 100 quyết định phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ đối với 07 ngôn ngữ, 19 loại chứng chỉ; 15 cơ sở tổ chức thi cấp chứng chỉ của nước ngoài, 102 cơ sở tổ chức thi của Việt Nam (62 doanh nghiệp, 35 trường đại học và 05 cơ sở giáo dục khác) với 141 lượt phê duyệt, 211 địa điểm thi trên toàn quốc (31 tỉnh, thành phố). Việc phê duyệt cơ bản đã đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người dân có nhu cầu thi lấy chứng chỉ. Bên cạnh đó, báo cáo cũng đề cập đến những định hướng sửa đổi Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT nhằm đổi mới công tác quản lý hoạt động này theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tôn trọng các quy định của các tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của xã hội và phục vụ tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp, người dân.
Bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh (Việt Nam) phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo đã có 6 báo cáo tham luận của các đại biểu: bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh (Việt Nam), bà Lê Thị Lệ Huyền - Đại diện Cambridge tại Việt Nam, bà Hà Lê Kim Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, bà Ngô Minh Thuỷ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển văn hoá ngôn ngữ giáo dục - Đối tác của Nhật Bản về kỳ thi Nat-Test tại Việt Nam, đồng thời là cố vấn chuyên môn của Công ty Phát triển văn hoá giáo dục quốc tế Việt - Đối tác của Nhật Bản về kỳ thi TOPJ tại Việt Nam; bà Lê Thị Huệ - Phó Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ New Sky (đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Pháp DELF-DALF tại miền Bắc) và ông Lê Anh Tuấn - Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai.
Sau phần báo cáo tham luận, các đại biểu thảo luận tại Hội trường về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập hồ sơ đề nghị phê duyệt, hoạt động liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ và những đề xuất sửa đổi các quy định của luật hiện hành.
Đại biểu thảo luận tại Hội trường
Phát biểu tham luận và thảo luận của các đại biểu đều đánh giá cao việc triển khai thực hiện Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
Bà Vũ Thị Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Bà Vũ Thị Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên cảm ơn các đại biểu đã tham dự rất đầy đủ, đánh giá cao và tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, đồng thời cũng chia sẻ các yêu cầu quản lý nhà nước và vai trò của các cơ quan, các tổ chức trong việc quản lý, tổ chức hoạt động liên kết thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Lê Mỹ Phong đã tổng kết, tóm tắt các ý kiến góp ý và đề nghị các đại biểu tiếp tục có thêm các ý kiến qua các hình thức online và phiếu lấy ý kiến đã gửi các đại biểu. Phó Cục trưởng Lê Mỹ Phong cho biết sẽ tổng hợp, nghiên cứu để trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định hiện hành nhằm giúp cho việc liên kết thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài thông thoáng hơn, thuận lợi hơn, tiệm cận với các quy định, thông lệ quốc tế.
Được biết, Hội thảo dành cho các tổ chức, đơn vị khu vực phía Nam có trụ sở từ Đà Nẵng trở vào sẽ được tổ chức vào ngày 29/4/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cục Quản lý chất lượng.