Cục Quản lý chất lượng: 20 năm - hành trình vì chất lượng giáo dục

Thứ ba - 14/11/2023 08:15

Trải qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo (tiền thân là Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục) vẫn kiên tâm một hành trình vì chất lượng giáo dục Việt Nam.

8bbd63db7010a64eff01

Ngày 18/7/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo Nghị định này, Cục Quản lý chất lượng chính thức được thành lập với tên gọi Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục.
Nỗ lực ngay từ những ngày đầu thành lập, 20 năm qua, Cục Quản lý chất lượng dần khẳng định vị trí của một đơn vị luôn “nhiều việc, nhiều việc mới và nhiều việc khó”.
Quản lý kiểm định chất lượng giáo dục góp phần thay đổi tư duy quản lý trong các cơ sở giáo dục

6a9dd45e3196e7c8be877

Thời gian qua, đặc biệt 3 năm trở lại đây, công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục tất cả các cấp học, bậc học được đẩy mạnh, góp phần thay đổi đáng kể về tư duy quản lý trong các nhà trường ở các cấp bậc học từ mầm non, phổ thông đến đại học. Kết quả này có được là nhờ một phần ở hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục ngày càng được hoàn thiện, cơ bản đủ để triển khai và vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện theo xu hướng thực chất, hội nhập khu vực và thế giới.
Tổng hợp kết quả thực hiện tự đánh giá, đánh giá ngoài và công nhận kiểm định chất lượng giáo dục (tính đến ngày 31/5/2023) trên cả nước có tổng 41.526 cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông có nhiều cấp học và các cơ sở giáo dục thường xuyên; trong đó, có 40.684 cơ sở hoàn thành tự đánh giá (đạt 98%), 24.899 cơ sở hoàn thành đánh giá ngoài (đạt 60%).
 Đến ngày 30/9/2023 đã có 192 cơ sở giáo dục đại học, 11 trường cao đẳng sư phạm, 1.432 chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; trong đó có 9 trường đại học, 436 chương trình đào tạo được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá của các tổ chức nước ngoài.
Việt Nam triển khai đồng thời các chương trình đánh giá quốc gia, quốc tế và gặt hái được kết quả quan trọng

c6bd19e5c52d13734a3c5

Đó là thành quả của công tác đánh giá chất lượng giáo dục được quan tâm đẩy mạnh, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình của các kỳ đánh giá diện rộng. Việt Nam tham gia chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) với khởi điểm chỉ số GDP thấp nhất trong các quốc gia tham dự nhưng Việt Nam đã hoàn thành chu kỳ đánh giá 2012, 2015, 2018 với kết quả cao và hiện tiếp tục tham gia chu kỳ 2021, 2025. Kết quả Chương trình đánh giá quốc tế dạy và học (TALIS) chu kỳ 2018 của Việt Nam có kết quả cao hơn trung bình các nước OECD. Các chỉ số thu được sau đánh giá đã cho thấy ưu thế nổi bật của giáo dục Việt Nam hiện nay là đổi mới, đa dạng và công bằng. Với chương trình đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM), theo công bố năm 2020, Việt Nam xếp cao nhất trong 6 nước tham gia.
Trong thời gian tới, Cục Quản lý chất lượng sẽ tiếp tục chủ trì thực hiện phân tích kết quả khảo sát diện rộng quốc gia và quốc tế triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 phục vụ nghiên cứu, ban hành và thực thi các chính sách giáo dục...  và hội nhập quốc tế.
Thành tích thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế: một trong những thành quả đổi mới tiêu biểu của Giáo dục Việt Nam

088ab345588d8ed3d79c8

Được lựa chọn là một trong những thành quả đổi mới tiêu biểu trong nhiều thành quả của Giáo dục Việt Nam trong 10 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện theo mục tiêu của Nghị quyết 29-NQ/TW, thành tích của các đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic quốc tế, khu vực liên tục có những chuyển biến theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Trong 5 năm gần đây, có 174 lượt học sinh tham dự các kỳ Olympic quốc tế và khu vực các môn Toán học, Hoá học, Vật lí, Sinh học, Tin học và mang về 170 huy chương và bằng khen. Trong đó, có 54 Huy chương Vàng, 68 Huy chương Bạc, 40 Huy chương Đồng và 8 bằng khen. Việt Nam duy trì thành tích trong top 10 các nước tham gia, nhiều thí sinh có điểm thi vượt trội.
Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và Olympic quốc tế đã khẳng định được chủ trương đúng đắn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc phát triển giáo dục mũi nhọn, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã và đang giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội

55911feaea223c7c6533

Đổi mới giáo dục luôn song hành với khó khăn - điều này đúng với hành trình đổi mới Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) trong thời gian qua. Nhưng cũng từ khó khăn mới thấy hết nỗ lực của Cục Quản lý chất lượng - đơn vị được giao thường trực tổ chức Kỳ thi quan trọng này hàng năm.
Không thể phủ nhận Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã và đang ngày càng giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội, tạo cơ hội cho người học và các cơ sở giáo dục; trở thành một kênh đánh giá toàn diện nhất chất lượng giáo dục phổ thông, không chỉ của mỗi học sinh, mà còn đối với từng nhà trường, từng địa phương. Kết quả của Kỳ thi là nguồn tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học sử dụng trong công tác tuyển sinh.
Kỳ thi sẽ tiếp tục đươc tổ chức phù hợp với đổi mới giáo dục phổ thông đang được triển khai và mọi định hướng đổi mới sẽ đều hướng đến người học, hướng đến chất lượng giáo dục.

Công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ góp phần thực hiện mục tiêu học thật, thi thật, chất lượng thật

fb2179ba8d725b2c0263

Được biết, công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ (VBCC) đã và đang được chỉ đạo, tổ chức triển khai theo hướng: hoàn thiện hệ thống pháp luật; tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm công khai của các cơ sở giáo dục, đào tạo. 
Hiện nay, Cục Quản lý chất lượng đang triển khai cổng dịch vụ công về công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam góp phần giảm thời gian thực hiện, giảm chi phí xã hội và chi phí thủ tục hành chính cho người có nhu cầu công nhận văn bằng, được các cơ quan và người dân đánh giá cao. 
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý VBCC, Cục Quản lý chất lượng cũng đã xây dựng phần mềm tra cứu VBCC (hiện đã cập nhật được hơn 5 triệu VBCC) để phục vụ việc tra cứu của người dân khi có nhu cầu. Cục cũng đang tham mưu xây dựng cơ sở dữ liệu (quy mô quốc gia) về VBCC phục vụ công tác quản lý và đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến VBCC cho người dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi việc sản xuất, mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.
Ngành Giáo dục và Đào tạo trong 20 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đóng góp vào thành quả chung đó không thể không kể đến những người đang lặng thầm với công việc quản lý chất lượng giáo dục, luôn luôn “Đổi mới – Chất lượng – Hội nhập”.
 Công việc nhiều, nhiều việc mới và nhiều việc khó, nhưng tập thể Lãnh đạo Cục và mỗi cán bộ chuyên viên Cục Quản lý chất lượng thuộc Bộ GDĐT sẽ luôn kiên tâm với hành trình vì chất lượng giáo dục Việt Nam.

Cục Quản lý chất lượng

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 1.8 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây