Các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục hãy là cánh tay nối dài của ngành trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học

Thứ ba - 05/09/2023 15:35

Sáng 5/9/2023 tại Hòa Lạc, Hà Nội, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương đã dự và chúc mừng Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục (KĐCLGD), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN).

Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, Cục trưởng ghi nhận, Trung tâm KĐCLGD, ĐHQGHN đã tham gia tích cực, đóng góp trong việc xây dựng các chính sách, quy định và văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo, KĐCLGD nói riêng và đóng góp cho bảo đảm và KĐCLGD giáo dục đại học nói chung. Trung tâm là một trong số ít các tổ chức kiểm định trong nước có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế về bảo đảm chất lượng.

Cuc truong Huynh Van Chuong 692023

Cục trưởng Huỳnh Văn Chương phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 10 năm thành lập TTKĐCLGD, ĐH QGHN.

Cục trưởng cũng đánh giá, trong thời gian tới, nhiệm vụ của toàn ngành giáo dục nhất là giáo dục đại học và công tác KĐCLGD nói riêng đang được đặt ra hết sức nặng nề, đó tăng cường hiệu quả quản lý trong bối cảnh phát huy tự chủ đại học và việc thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022-2030 ban hành kèm theo Quyết định số 78/QD-TTg ngày 14/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Cục trưởng Huỳnh Văn Chương đề nghị Trung tâm KĐCLGD, ĐHQGHN và các Trung tâm KĐCLGD khác trong giai đoạn tiếp theo cần có chiến lược phát triển mang tính đột phá để phát huy nội lực và xứng tầm với yêu cầu của xã hội để thực sự là cánh tay nối dài của ngành trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Theo Cục trưởng, các Trung tâm cần phát triển đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp không chỉ sử dụng thành thục bộ công cục kiểm định trong nước để ra các quyết định chính xác, có các khuyến nghị hữu ích giúp nhà trường khắc phục hạn chế, cải tiến chất lượng hiệu quả thực chất mà còn hướng đến tầm nhìn và sứ mạng cao hơn là có được những chuyên gia có thể tham gia đào tạo được các kiểm định viên đẳng cấp khu vực và có khả năng hội nhập quốc tế về bảo đảm và KĐCLGD; mang được tiếng nói về bảo đảm và KĐCLGD giáo dục ra khu vực và thế giới để đẩy mạnh hội nhập, công nhận chất lượng giáo dục đại học lẫn nhau.
Cùng với đó, Cục trưởng yêu cầu các Trung tâm cần tập trung phát triển các bộ công cụ để cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo bồi dưỡng cho cơ sở giáo dục đại học để xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong bền vững, bảo đảm các nguyên tắc của hoạt động kiểm định theo quy định pháp luật; Ưu tiên công tác chuyển đổi số và ứng dụng mạnh sự tiện ích của công nghệ thông tin trong công tác đánh giá ngoài nói riêng và nhiều khâu trong công tác bảo đảm và KĐCLGD. Thực hiện đầy đủ và thường xuyên việc khai báo cơ sở dữ liệu sau đánh giá lên hệ thống phần mềm chung về bảo đảm và KĐCLGD của Bộ.
Việc tăng cường hợp tác quốc tế để bảo đảm chất lượng trong chính các Trung tâm, tham gia đánh giá bằng các bộ tiêu chuẩn nước ngoài bởi bên thứ ba để sớm đạt được sự công nhận của tổ chức bảo đảm chất lượng khu vực và quốc tế cũng là vấn đề cần tập trung thực hiện.
“Các Trung tâm sẽ tiếp tục đóng góp và tư vấn chính sách đối với Bộ GDĐT và các cơ quan có thẩm quyền khác, nhất là mảng bảo đảm và KĐCLGD. Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ, có nhiều công bố khoa học phục vụ cộng đồng về công tác bảo đảm và KĐCLGD để chia sẻ các kết quả với bạn đọc, chuyên gia trong nước và quốc tế. Các Trung tâm cần là một tổ chức đúng nghĩa không vì lợi nhuận góp phần cải tiến chất lượng cho giáo dục đại học Việt Nam”. Cục trưởng nhấn mạnh.

Tính đến nay, Việt Nam có 7 tổ chức KĐCLGD trong nước. 4 Trung tâm kiểm định công lập là: Trung tâm KĐCLGD, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trung tâm KĐCLGD, Đại học Quốc gia TP.HCM; Trung tâm KĐCLGD, Đại học Đà Nẵng; Trung tâm KĐCLGD, Đại học Vinh; 1 Trung tâm KĐCLGD trực thuộc Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam. 2 trung tâm KĐCLGD tư nhân, gồm: Trung tâm KĐCLGD Sài Gòn (Công ty Cổ phần đầu tư giáo dục TP.HCM); Trung tâm KĐCLGD Thăng Long (Công ty Cổ phần đầu tư giáo dục Hà Nội).
Có 6 tổ chức KĐCLGD nước ngoài được Bộ GDĐT cấp phép hoạt động tại Việt Nam gồm The Foundation for International Business Administration Accreditation (FIBAA); The Agency for Quality Assurance through Accreditation of Study Programs (AQAS); The Accreditation Agency for Study Programmes in Engineering, Informatics, Natural Sciences and Mathematics (ASIIN); The High Council for the Evaluation of Research and Higher Education (HCERES); Asean University Network - Quality Assurance (AUN-QA) và The Quality Assurance Agency for Higher Education (QAA). Thời gian được công nhận và hoạt động tại Việt Nam là 5 năm. Cả 3 tổ chức FIBAA, AQAS, ASIIN có trụ sở tại Đức, HCERES có trụ sở ở Pháp, AUN-QA có trụ sở tại Thái Lan và QAA có trụ sở tại Anh.
Ngày 26/6/2023, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 13/2023/TT-BGDĐT quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.
Nội dung quy định của Thông tư số 13/2023/TT-BGDĐT làm căn cứ để Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động ở Việt Nam; thực hiện nguyên tắc của KĐCLGD đã được quy định trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học; tăng cường công khai, minh bạch cho xã hội biết và giám sát hoạt động KĐCLGD; qua đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác bảo đảm chất lượng và KĐCLGD.


Cục Quản lý chất lượng

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 1.6 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây