Quy định mới nhất về công khai đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân

Thứ năm - 06/06/2024 09:31

Bộ GDĐT ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BGDĐT ngày 3 tháng 6 năm 2024 quy định công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (sau đây gọi tắt là Thông tư 09). Thông tư này thay thế Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (sau đây gọi tắt là Thông tư 36). Vậy tại sao phải ban hành thông tư mới số 09? So với Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT, Thông tư lần này có gì mới?

luat giao duc 02 447605 21820

(Ảnh minh họa)

1. Sự cần thiết phải ban hành thông tư 09 thay thế Thông tư số 36.
Thông tư 36 được ban hành từ năm 2017, đến nay nhiều văn bản quy phạm pháp luật (văn bản QPPL) được sử dụng làm căn cứ ban hành Thông tư 36 đều đã được thay thế bằng các văn bản QPPL mới. Nhiều quy định mới về nội dung, cách thức, thời gian công khai trong các văn bản QPPL mới ban hành từ năm 2017 đến nay đã thay thế cho một số nội dung có liên quan tại Thông tư 36 làm cho Thông tư này không còn giữ nguyên tính tổng thể.
Bên cạnh đó, nhiều nội dung công khai còn gắn với việc cập nhật số liệu trên trên cơ sở dữ liệu ngành; các yêu cầu về bảo đảm quy định bảo mật dự liệu cá  nhân, bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật. Vì vậy, với 21 biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư 36 chi tiết các nội dung mà cơ sở giáo dục cần công khai có nhiều nội dung chồng chéo, không còn bảo đảm thống nhất với yêu cầu quy định tại văn bản quy phạm pháp luật hiện hành: về tuyển sinh; mở ngành; bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục; công khai tài chính, cơ cấu tổ chức, bộ máy đối với đơn vị sự nghiệp công, cơ sở giáo dục tư thục, phần nào gây khó khăn cho cơ sở giáo dục khi thực hiện.
2. Mục tiêu yêu cầu công khai của Thông tư 09
Minh bạch các cam kết về chất lượng, điều kiện bảo đảm chất lượng; thu chi tài chính tại các cơ sở giáo dục và các thông tin khác có liên quan của cơ sở giáo dục để cán bộ, giảng viên, giáo viên, người lao động, người học, gia đình và xã hội biết và tham gia giám sát các hoạt động của các cơ sở giáo dục.
Công khai theo đúng quy định pháp luật nhưng đơn giản hóa các thông tin công khai, hạn chế việc cập nhật số liệu chi tiết về kỹ thuật, trùng nội dung, giảm biểu mẫu để góp phần thực hiện cải cách hành chính.
Là một trong các căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm và giải trình của cơ sở giáo dục đối với các bên liên quan.
3. Điểm mới của Thông tư 09
Thông tư 09 thay thế Thông tư 36 được bố cục lại theo hướng tường minh, rõ và gọn hơn, với nội dung công khai gồm 2 phần: phần công khai chung đối với các cơ sở giáo dục và phần công khai riêng đối với từng cấp bậc học (giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên; GDĐH và trình độ CĐ ngành GDMN; giảm tối đa các biểu mẫu bắt buộc cơ sở giáo dục phải kê khai (từ 21 phụ lục giảm còn 02 phụ lục trong Báo cáo thường niên).
Để tránh chồng chéo trong việc thực hiện công khai của cơ sở giáo dục, do thông tin cơ bản công khai theo quy định đều được cập nhật trên cơ sở dữ liệu ngành, Thông tư 09 chỉ quy định nội dung, cách thức, thời điểm công khai và nguyên tắc công khai để cơ sở giáo dục chủ động xây dựng thông tin theo chủ đề tương thích với cấu trúc của trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục.
Về hình thức công khai, Thông tư 09 đã lược bỏ một số quy định cơ sở giáo dục phải niêm yết nội dung công khai tại cơ sở giáo dục (trừ cơ sở giáo dục mầm non, trường, lớp dành cho người khuyết tật chưa có cổng thông tin điện tử  hoặc các trường hợp cụ thể cần phổ biến trực tiếp đến sinh viên và cha mẹ học sinh), mà thực hiện công bố công khai đầy đủ nội dung theo quy định tại Thông tư này trên Trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục.
Ngoài ra, Thông tư 09 còn quy định cụ thể hơn thời gian công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục tối thiểu là 5 năm kể từ ngày công bố công khai. Thời gian niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục tối thiểu là 90 ngày và sau khi niêm yết phải lưu giữ nội dung công khai để bảo đảm cho việc tiếp cận thông tin tối thiểu là là 5 năm kể từ ngày niêm yết công khai (đối với cơ sở không có trang Thông tin điện tử).
Để giảm bớt thủ tục phiền hà trong báo cáo và tăng cường tính minh bạch, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự giải trình của cơ sở giáo dục, các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương, Thông tư lần này bỏ quy định cơ sở giáo dục phải báo cáo kết quả thực hiện quy chế công khai của năm học trước và kế hoạch triển khai quy chế công khai của năm học sắp tới về cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục ở địa phương, cơ sở giáo dục chỉ phải báo cáo về công tác công khai khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Bộ GDĐT, các Sở GDĐT và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác sẽ tăng cường việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Một điểm mới của nữa của Thông tư 09 là bổ sung quy đinh về nội dung Báo cáo thường niên. Báo cáo thường niên không phải là bản tổng hợp lưu thông tin công khai của Thông tư mà là một trong các hình thức công khai thể hiện bức tranh toàn cảnh về kết quả hoạt động của cơ sở giáo dục trong theo từng năm. Thông qua số liệu công khai trong Báo cáo thường niên, thông tin có giá trị đối sánh của năm sau so với năm trước và phục vụ cho nhiều mục đích của cơ sở giáo dục.

Chi tiết Thông tư >>> Tải file

Cục Quản lý chất lượng.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây